Văn hóa ẩm thức gắn với du lịch

Văn hóa ẩm thực gắn với du lịch

Ẩm thực là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch nhằm thu hút khách, tạo doanh thu, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Học giả Maslow khi nghiên cứu và đưa ra mô hình về tháp nhu cầu của con người đã chỉ ra, ăn uống là nhu cầu tối thiểu, chỉ khi được thỏa mãn trọn vẹn, con người mới quan tâm tới các nhu cầu khác.

Đối với du lịch, dịch vụ ăn uống là yếu tố cấu thành, có vai trò quan trọng để làm nên thành công, tạo sức hấp dẫn và là yếu tố để quảng bá điểm đến, đôi khi còn là động cơ và mục đích du lịch của khách. Ẩm thực không phải chỉ duy trì sự sinh tồn của con người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch để tổ chức ra chương trình du lịch ẩm thực phục vụ cho du khách.

Ở các trung tâm du lịch, những nơi có  dịch vụ ăn uống độc đáo, chất lượng, đặc sắc tạo dấu ấn với khách khiến họ thu hút thêm khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của khách, tăng doanh thu du lịch và tạo nguồn thu cho địa phương. Dịch vụ ăn uống có thể làm thay đổi thói quen của người dân bản xứ, do đời sống kinh tế được nâng lên, làm tăng nhu cầu ăn uống khiến nó ngày càng trở nên tinh tế hơn.

Đối với khách du lịch, ăn uống không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà nó còn được nâng tầm lên thành nghệ thuật.  Các môn nghệ thuật khác như hội họa chỉ thỏa mãn được nhu cầu tinh thần của con người  còn ẩm thực thỏa mãn được cả tinh thần và cái dạ dày.

Ẩm thực ngày nay là tổng hòa của những yếu tố như món ăn ngon, thực phẩm an toàn, vệ sinh, thú vui của người thưởng thức và hứng khởi của người chế biến. Khách quốc tế đánh giá cao món ăn của Việt Nam qua trải nghiệm của bản thân hoặc thông tin từ bạn bè. Trong các lễ hội, du khách tới dự từ nhiều nơi, tạo ra cầu cao đối với ẩm thực. Hoạt động thi nấu ăn những món ngon truyền thống, pha chế đồ uống độc đáo hay tìm ra những món ngon vật lạ, dâng lễ vật (thường là các món ăn đặc sản của vùng miền) là cách để quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương hiệu quả.

Món ăn và cách chế biến của người Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên bạn bè năm châu khen món ăn Việt Nam ngon, nhiều nhà hàng của người Việt Nam mở ra ở các nước thu hút đông đảo thực khách bản xứ. Tại các festival quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, gian hàng ẩm thực Việt Nam luôn là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn nhất.

Liên hoan văn hóa ẩm thực năm 2019

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người dân Việt Nam đã sáng tạo và để lại một kho tàng đồ sộ các món ăn, đồ uống đặc sắc, phong phú. Nguyên liệu, gia vị, thực phẩm chế biến rất đa dạng và đều là sản vật của thiên nhiên… Với ưu đãi  về khí hậu, điều kiện tự nhiên, sự đa dạng của các dân tộc cùng sinh sống nên Việt Nam có một nền ẩm thực khá phong phú, đa dạng, hấp dẫn,  phù hợp khẩu vị nhiều đối tượng khách, trừ những món có đặc trưng vùng miền như ăn cay theo thói quen người Huế, ăn ngọt theo thói quen người Nam Bộ. Món ăn của Việt Nam ít dầu, mỡ hơn món Trung Quốc, ít cay hơn món Thái Lan và Hàn Quốc, ít thịt hơn các món của châu Âu – châu Mỹ và dễ tiêu hoá sau khi ăn. Trong chế biến cũng như trang trí, sự kết hợp gia vị đã ứng dụng nguyên lý điều hoà Âm-Dương. Nhiều món ăn có tác dụng chữa một số bệnh của thời đại như: béo phì, gút, tiểu đường, mỡ trong máu…

Mỗi miền đất, mỗi vùng quê đều có những đặc sản và phong cách ẩm thực riêng.

  • Ẩm thực miền Bắc: thường không đậm vị như các vùng khác .Khu vực đồng bằng có phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm, bánh cuốn…  cùng rau muống, quả cà hay gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng đã đi vào thơ ca từ ngàn đời xưa. Khu vực vùng núi cao có nhiều món sử dụng được dài ngày như thịt gác bếp, lạp xưởng.
  • Ẩm thực miền Trung: nhiều món cay hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc phong phú, thiên về màu đỏ và nâu sậm, nổi tiếng với mắm tôm chua và các loại mắm ruốc. Ẩm thực Huế không chỉ nhiều màu sắc mà còn chú trọng vào số lượng món ăn, tuy mỗi món chỉ được bày một ít trên đĩa nhỏ.
  • Ẩm thực miền Nam: có những nét tương đồng với ẩm thực Campuchia, Thái Lan, sử dụng nhiều đường, sữa dừa, các loại mắm khô (mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía v.v.), nhiều hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc. Những món ăn dân dã đặc thù của một thời mở cõi, đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, cá lóc nướng trui, lẩu mắm… Sự trù phú của đồng bằng Nam Bộ đã tạo ra những miệt vườn cung cấp nhiều cây trái, làm đa dạng thực đơn phục vụ  khách.

Với sự phát triển không ngừng của ngành du lịch trong những năm gần đây, các cơ sở kinh doanh ăn uống ngày càng càng được củng cố, phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, loại hình phục vụ, trong đó tăng mạnh nhất là tại các khu du lịch, khu đô thị trên cả nước.

Hàng ngàn các nhà hàng, quán bar, quán cà phê… quy mô lớn từ 100-1000 chỗ, chất lượng cao ra đời phục vụ du khách, cùng với đó, dịch vụ ẩm thực trong các cơ sở lưu trú du lịch được nâng cấp và mở rộng quy mô, sáng tạo về trang trí thiết kế. Tính đến hết năm 2020, cả nước có hơn 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng gần 1000 cơ sở lưu trú du lịch 3 sao trở lên, trong đó đều có ít nhất một nhà hàng, quầy bar đạt chuẩn, nơi thực khách có thể dễ dàng tìm kiểu đồ ăn mình ưa thích. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội được chiêu đãi trong các chương trình ẩm thực đặc trưng tổ chức hằng năm do ngành du lịch và các địa phương tổ chức như: Liên hoan ẩm thực, món ngon các nước, lễ hội trái cây, lễ hội trà, cà phê, rượu vang…

Ngoài nhà hàng, Việt Nam còn có thế mạnh về ẩm thực đường phố với nhiều món ăn hấp dẫn tại bất kỳ vùng miền nào, được thực khách quốc tế đánh giá cao, giới thiệu trên các trang ẩm thực và các kênh thông tin nổi tiếng của nước ngoài.

Bên cạnh đó, do sự giao thoa văn hóa và thuận tiện trong giao thông vận chuyển, các địa danh du lịch của Việt Nam không chỉ cung cấp đặc sản của địa phương mà trở thành nơi hội tụ ẩm thực của các vùng miền trong nước và trên thế giới, vừa khai thác tinh hoa vừa có thêm nhiều sáng tạo mới.

Nhận thức được tầm quan trong của ẩm thực đối với du lịch, Tổng cục Du lịch đã có nhiều chương trình tuyên truyền quảng bá về ẩm thực Việt Nam bằng nhiều hình thức, tập trung tại các thị trường trọng điểm như Nhật, Pháp, Úc, Đông Nam Á, gần đây là Đài Loan và sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, trong các sự kiện của ngành du lịch tổ chức, cũng như các diễn đàn về ẩm thực quốc tế.

“Việt Nam nên là bếp của thế giới” – câu nói của chuyên gia Marketing nổi tiếng thế giới Philip Kotler tại buổi hội thảo “ Marketing mới cho thời đại mới” ngày 17/8/2007 trong chuyến đi thăm Việt Nam lần đầu tiên đã cho thấy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, cần tập trung đầu tư, khai thác, phát triển nhằm quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng.

Ẩm thực là một phần không thể thiếu, luôn luôn gắn kết với du lịch. Với những tiềm năng  về ẩm thực mà Việt Nam đang có, chúng ta sẽ cố gắng phát huy, nỗ lực mang hình ảnh tốt nhất đến mắt du khách trong nước và quốc tế.

(Visited 908 times, 1 visits today)